6 BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA CÔNG TÁC ÔN THI MÔN TOÁN VÀO LỚP 10-NĂM HỌC 2020-2021   


Là một giáo viên trẻ của trường THCS Thị Trấn II, năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên tôi được phân công dạy lớp 9 và ôn thi vào lớp 10 THPT môn Toán. Kết quả bộ môn Toán đạt được như sau: trong kỳ khảo sát chất lượng của Sở GD&ĐT điểm trung bình đạt 8.43 xếp thứ 1/258 trường THCS trong toàn tỉnh; trong kỳ thi vào lớp 10 THPT điểm trung bình đạt 6.92 và xếp thứ 5/258 trường. Đây là kết quả phản ánh đúng sự nỗ lực, cố gắng của giáo viên và học sinh trong suốt 4 năm học đầy khó khăn và thử thách vừa qua. Để đạt được kết quả như vậy, ngoài sự kết hợp của giáo viên, học sinh và phụ huynh thì đó còn là sự chỉ đạo sát sao của BGH nhà trường, của tổ chuyên môn. Sự quan tâm động viên, tạo điều kiện của các đồng chí đã giúp tôi có thêm rất nhiều động lực để cố gắng trong việc giảng dạy và nâng cao chất lượng bộ môn. Qua quá trình ôn thi, bản thân tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy như sau:

  • Thứ nhất: Về phía giáo viên.
  • - Cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn vững vàng và có khả năng truyền đạt tốt; nghiên cứu chuyên sâu nôi dung chương trình giảng dạy, tài liệu tham khảo; phải luôn tự học; tự làm mới mình. Xâu chuỗi kiến thức từ lớp 6 đến lớp 9, bám sát vào cấu trúc đề thi qua các năm và các đề minh họa của Sở GD&ĐT để tự rút ra các dạng các chuyên đề thường gặp trong đề thi của tỉnh Phú Thọ; cung cấp thêm một số kiến thức bên ngoài chương trình, đặc biệt là một số công thức toán cấp 3 để các em làm bài tập trắc nghiệm nhanh, hiệu quả nhất.
  • Thứ hai: Phân loại đối tượng học sinh.
  • - Phân loại học sinh theo năng lực, từ đó có kế hoạch cho từng đối tượng học sinh, giao bài tập và giao đề phù hợp với học sinh, khi học sinh được làm bài đúng khả năng của mình sẽ không làm mất thời gian và giúp các em hào hứng có động lực hơn trong học tập.
    - Giao cho học sinh giỏi kèm học sinh yếu, học sinh giỏi sẽ tự tìm bài tập, tự lấy ví dụ và chấm những bài đó cho học sinh yếu. Tôi thấy cách này tương đối hiệu quả vì nhiều khi tự bản thân các em sẽ có những cách giảng bài cho nhau rất dễ hiểu.
    - Đối với nhóm học sinh yếu, tôi dành nhiều thời gian dạy phụ đạo, chủ yếu dạy phần trắc nghiệm, dạy vẽ hình, tứ giác nội tiếp, giải phương trình và hệ phương trình đó là những phần dễ lấy điểm. Ngoài những buổi học trên lớp, tôi dạy phụ đạo trực tuyến học sinh yếu qua zoom để giảm bớt áp lực hoặc đôi khi là động viên, gần gũi chia sẻ để các em có tâm thế thế hứng khởi, sẵn sàng học tập. Đặc biệt, với trường hợp của em Phương lớp 9B, tôi đã tranh thủ những buổi tối để phụ đạo thêm cho em tại nhà.
  • Thứ ba: Tổ chức dạy học.
  • - Trong các giờ học, tôi luôn tạo không khí hào hứng, để học sinh được thi đua nhau làm bài, tăng cường khen, động viên khích lệ. Thi thoảng ngoài giờ học, tôi đã tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh để bước đầu các em có động lực ôn thi vào THPT.
    - Thường xuyên kiểm tra lý thuyết, công thức của học sinh bằng cách viết ra giấy vào 5 phút đầu giờ, học sinh thường mắc sai lầm đó là môn toán thì không cần học lý thuyết công thức, nhưng nếu học sinh không nhớ công thức thì sẽ không thể làm được bài tập. Vì vậy, tôi rất chú trọng việc học lý thuyết và công thức của học sinh đặc biệt là học sinh yếu. Trường hợp học sinh không thuộc sẽ phạt chép lại nhiều lần, từ đó các em vừa nhớ được công thức vừa không dám tại phạm.
    - Dạy, ôn luyện theo từng chuyên đề và bám sát vào đề thi, sau mỗi chuyên đề luôn yêu cầu học sinh tổng hợp lại các dạng bài tập.
    - Lập kế hoạch ôn cho từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn nước rút cuối cùng, tôi đã tự tổ chức bấm giờ, thi thử cho học sinh. Tích cực cho học sinh luyện được khoảng 60 đề thi, bao gồm cả trên lớp và về nhà trong đó những đề đầu tiên tôi chấm rất tỉ mỉ chặt chẽ, chữa cách trình bày, những đề sau tôi giao cho nhóm các em học sinh giỏi chấm chéo, học sinh được tự phản biện lẫn nhau và cuối cùng học sinh được tự chấm bài của mình.
    - Đối với bài tập và các đề ôn về nhà, yêu cầu học sinh làm bài ra giấy nộp hàng ngày và có chữ ký của phụ huynh ở cuối bài, từ đó học sinh sẽ làm bài tập đầy đủ và nghiêm túc tránh trường hợp học sinh không làm hoặc đến lớp chép bài bạn.
  • Thứ tư: Trao đổi kinh nghiệm, tài liệu.
  • - Tôi thường xuyên trao đổi phương pháp và được sự tư vấn, giúp đỡ của đồng nghiệp, đặc biệt là các thầy cô trong nhóm toán đã chia sẻ tài liệu các năm học trước, các phương pháp, cách giải bài, cách hướng dẫn bài cho học sinh dễ hiểu nhất.
    - Ngoài trao đổi với các thầy cô trong nhà trường, tôi đã kết nối được nhiều thầy cô là giáo viên cốt cán ở trong huyện, ngoài huyện và ngoài tỉnh qua các nhóm, các trang trên facebook, zalo như: nhóm Toán THCS; Hội giáo viên toán THCS Việt Nam; CLB – CM Toán THCS tỉnh Phú Thọ. Từ đó tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tích cóp được rất nhiều tài liệu.
    - Tôi thường mua tài liệu, mua tài khoản để vào học, xem các video dạy học trực tuyến ở trên các trang như hocmai.vn; olm.vn; youtube…từ đó tích lũy cho bản thân những tài liệu, phương pháp, cách truyền đạt hay, dễ hiểu tới học sinh.
    - Cập nhật cho học sinh luyện các đề thi thử của Tp.Hà Nội, tỉnh Nam Định…và xin được các đề của những huyện có truyền thống học tốt như Lâm Thao; Đoan Hùng; Thị xã Phú Thọ; Việt Trì năm 2021 cho học sinh vì đề của các họ rất chất lượng và tôi nhận thấy, khi các em được thử sức với đề huyện ngoài, tỉnh ngoài các em rất hào hứng.
  • Thứ năm: Dạy học trực tuyến.
  • - Trong thời gian tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học tại nhà. Tuy nhiên các em vẫn được tham gia học tập trực tuyến bình thường qua phần mềm Zoom, làm bài tập và nộp bài qua zalo, gmail và Padlet. Tôi đã sử dụng kết hợp với bảng điện tử, các em có thể vừa nghe giảng và vừa xem giáo viên viết bài trực tiếp qua bảng. Vì vậy mà trong quá trình ôn thi, học sinh vẫn được học tập liên tục, không bị ngắt quãng và việc học online tương đối hiệu quả đối với những học sinh tự giác, có ý thức.
  • Thứ sáu: Phối hợp nắm bắt thông tin.
  • - Thường xuyên trao đối với GVCN, GVBM đặc biệt là GV ôn thi để nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.
    - Kịp thời nắm bắt và triển khai các văn bản của cấp trên liên quan đến công tác thi vào 10 tới học sinh.
    - Phối hợp chặt chẽ, liên lạc và thông báo tình hình học tập của học sinh tới phụ huynh.

    Trên đây là một số bài học kinh nghiệm mà bản thân tôi tự rút ra được trong quá trình ôn thi vào lớp 10 THPT năm học vừa qua, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng chí.

       4 BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA CÔNG TÁC ÔN THI MÔN ANH VĂN VÀO LỚP 10-NĂM HỌC 2020-2021   


    Năm học 2020-2021 tôi được nhà trường phân công giảng dạy môn Tiếng Anh 9 và ôn thi THPT cho HS lớp 9 môn Tiếng Anh. Kết quả môn Tiếng Anh thi vào THPT đạt điểm TB là 7,01. Kết quả này phản ánh đúng những nỗ lực của HS và giáo viên giảng dạy trong suốt 4 năm học và sự cố gắng của HS trong thời gian ôn thi nước rút trước khi thi vào 10. Qua quá trình ôn thi thực tế, bản thân tôi đã tự rút ra 1 số bài học kinh nghiệm để làm tốt công tác ôn thi và giúp học sinh ôn thi hiệu quả, như sau:
  • Một là: Đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn học.
  • + Kết thúc HK 1: HS sẽ hoàn thành hết các chuyên đề ngữ pháp của chương trình học và bước đầu làm quen các đề luyện tổng hợp mức ở độ dễ chủ yếu để ôn tập các kiến thức đã học ở các năm học trước.
    + Ở HK 2: Sau khi HS đã nắm vững những kiến thức cơ bản thì GV cho HS ôn luyện đề tổng hợp của đề thi thử, đề thi chính thức các năm trước, đề của các tỉnh thành, và phải được biên soạn bám sát theo cấu trúc bài thi vào 10 của Sở GD, đồng thời đề phải cập nhật nội dung xu hướng mới để HS vừa có cơ hội vận dụng những kiến thức đã học vừa có thể làm quen với cấu trúc đề thi và rèn kĩ năng làm bài. Thông qua việc giải đề sẽ giúp HS làm quen với các bẫy thường gặp trong bài thi.
  • Hai là: HS ôn luyện đề từ dễ đến khó để tránh gây ra sự chán nản cho HS.
  • Có thể nói, Tiếng Anh là 1 môn học khó. Học tốt bộ môn này là sự kết hợp của cả 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Do vậy, trong quá trình ôn luyện đề, HS sẽ được làm quen với hệ thống đề ôn từ dễ đến khó để tạo nền móng kiến thức và sự hứng thú cho HS. Ví dụ: Ở HK 1 , do HS chưa được học hết các chuyên đề ngữ pháp thì trong quá trình biên soạn đề thì 90% là kiến thức cũ mang tính ôn tập, chỉ có 10% (tương ứng là 2 câu trong đề) là đan xen kiến thức mới giúp HS làm quen và cọ xát với KT mới này. Trong quá trình ôn luyện, 2 nhóm đối tượng HS hết sức nên được quan tâm là nhóm HS Khá + Giỏi và nhóm HS còn yếu bộ môn.
    + Đối với nhóm HS Khá Giỏi mục tiêu điểm thi vào THPT từ 8 trở lên: ngoài luyện đề chung ở mức cơ bản, đề ôn sẽ được tăng dần độ khó và vốn từ vựng cũng dần được mở rộng . Những đề tự luyện, HS có thể chấm chéo cho nhau dưới sự hướng dẫn của GV. Những HS nào đạt điểm dưới 9 đều được yêu cầu về nhà làm lại bài vào vở, dịch lại bài khóa trong đề để tăng cường vốn từ vựng và ôn các cấu trúc câu.
    + Đối với nhóm HS yếu bộ môn: GV cần sự kiên trì vừa cho luyện đề vừa ôn tập các chuyên đề còn yếu. Bởi trong quá trình luyện đề mới bộc lộ những lỗ hổng về kiến thức. Do vậy, sổ tay Tiếng Anh giúp học sinh ghi chép lại những cấu trúc câu, từ vựng, cụm từ đồng nghĩa, trái nghĩa... là không thể thiếu. GV hướng dẫn HS cách ghi chép sao cho khoa học và có hệ thống, chú trọng yếu tố dễ tìm, dễ học và buổi học nào HS cũng phải đem theo để cập nhật thường xuyên. Trong học tập và giảng dạy, có 1 thực tế rằng chỉ những điều hay những kiến thức người học tự đúc rút viết ra và được lặp đi lặp lại nhiều lần khi làm đề ôn mới giúp họ ghi nhớ lâu và sử dụng hiệu quả.
  • Ba là: học sinh cần luyện đề thường xuyên; GV lập sổ theo dõi sự tiến bộ của HS.
  • Việc giải đề thi không nên quá dồn dập, mà điều then chốt là cần luyện đề thường xuyên, mỗi ngày 1 chút để tăng khả năng ghi nhớ.
    + Vào giai đoạn nước rút ôn thi vào 10(HK2), bên cạnh đề luyện tự do theo cấu trúc đề thi của Sở, HS tự chấm chéo bài thì cứ 1 tuần HS làm 1 bài KT coi chấm nghiêm túc như làm bài thi, GV chấm, chữa, nhận xét những sai sót và sự tiến bộ của HS. Đặc biệt đối với những HS yếu bộ môn được khích lệ bằng cách ghi nhận xét "Cố chút nữa!" hoặc "Em hãycố chút nữa!", hoặc "Sắp đúng rồi!" ngay ở những câu HS làm gần đúng; khen "Em giỏi lắm!" với những bài HS làm đúng, khắc phục được lỗi sai mà trước đó hay phạm phải.
    + Việc theo dõi sự tiến bộ của HS là công việc mang tính chất thường xuyên, động viên kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ sa sút nên tôi tự lập sổ theo dõi kết quả các bài KT này, lưu lại. Những HS tiến bộ sẽ được khen ngợi trước lớp kịp thời, những HS điểm 2 bài KT liền kề giảm sút bất thường thì sẽ đc nhắc nhở và nhắn tin, gọi điện cho gia đình để cha mẹ vào cuộc, động viên và nhắc nhở kịp thời.
  • Bốn là: Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp trên và Công tác phối kết hợp nắm bắt thông tin.
  • + Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và sự linh động trong việc tạo điều kiện thuận lợi mọi cơ sở vật chất, đồ dùng phương tiện dạy học từ BGH nhà trường đã giúp GV và HS có những điều kiện thuận lợi nhất trong giảng dạy và học tập.
    + Trong quá trình giảng dạy và ôn tập cho HS, tôi thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn từ các đồng chí, đồng nghiệp trong tổ, trong nhóm chuyên môn trong và ngoài trường để có những điều chỉnh kịp thời trong việc tổng hợp, biên soạn và cập nhật kiến thức ôn tập cho HS.

       8 BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA CÔNG TÁC ÔN THI MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10-NĂM HỌC 2020-2021   


    stray dog lying down

    Tổng kết nhiệm vụ ôn thi vào THPT môn Văn 9 năm học 2020-2021,bản thân tôi xin đóng góp một số ý kiến về kinh nghiệm bồi dưỡng môn Ngữ văn. Trong năm học vừa qua, Hs lớp 9 thi vào lớp 10 THPT đạt điểm thi TB môn Ngữ văn là 6,83 xếp thứ 15 toàn tỉnh (Chưa tính tỷ lệ, nếu tính tỷ lệ là xếp thứ 5). Có 2 học sinh đạt giải trong kỳ thi HSG văn hóa lớp 9 cấp tỉnh môn Ngữ văn; 1 em đạt giải ba, 1 em đạt giải KK. Để có được kết quả thi vào THPT môn Ngữ văn như vậy, trước tiên phải kể đến đó chính là nhờ sự lãnh chỉ đạo sát sao của BGH nhà trường; từ việc phân 3 lớp 9A,B,C theo đối tượng học sinh đến chia sẻ động viên giáo viên – học sinh học tập, tiếp theo là sự quan tâm, khích lệ của các đồng chí giáo viên trong trường, đặc biệt là các đồng chí giáo viên cùng bộ môn. Bên cạnh đó là sự quan tâm của phụ huynh, của các em học sinh đã giúp tôi có thêm rất nhiều động lực, có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ôn thi HSG và ôn thi vào THPT. Về kinh nghiệm giảng dạy, tôi xin chia sẻ đến quý vị đại biểu, các thầy cô giáo một số kinh nghiệm nho nhỏ sau:

  • Thứ nhất:Có lẽ tôi cũng như các thày cô dạy ôn thi các môn Toán, Anh trong trường đều xác định rõ ràng là để có được kết quả trong công tác giảng dạy thì mỗi giáo viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có khả năng truyền cảm hứng đến học sinh. Muốn có kiến thức chuyên môn tốt, mỗi người giáo viên phải luôn nghiêm túc nghiên cứu chuyên sâu nội dung chương trình giảng dạy, tài liệu tham khảo, phải luôn tự học, tự bồi dưỡng để làm mới kiến thức của mình. Tích cực đọc sách, tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, học hỏi từ những đồng nghiệp cốt cán trong tỉnh. Qua mỗi bài giảng phải có sự điều chỉnh nội dung kiến thức dạy học cho phù hợp và hiệu quả hơn, đặc biệt là môn Ngữ văn trong cấu trúc đề thi có thêm phần đọc hiểu lấy ngữ liệu ngoài chương trình SGK.
  • Thứ hai: Giáo viên phải dạy chắc kiến thức cơ bản sách giáo khoa trong các giờ chính khóa. Kiến thức cơ bản SGK sẽ là nền tảng để các em học nâng cao và mở rộng. Mỗi một bài giảng trên lớp phải định ra kiến thức, kĩ năng cần đạt cho học sinh là gì và phải cố gắng đạt được mục tiêu đó. Khi chúng ta kết thúc một tiết dạy, học sinh phải tự mình giải quyết được ít nhất là 50 % kiến thức phần luyện tập và hiểu khoảng 60% kiến thức mà giáo viên đã truyền tải. Lượng kiến thức còn lại là dành cho phần ôn tập ngoại khóa, học buổi chiều, học và chuẩn bị bài ở nhà.
  • Thứ ba: Giáo viên phải lập kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng buổi dạy, từng giai đoạn, từng chuyên đề đặc biệt là trong đợt ôn thi vào 10, thời gian ôn tập chỉ kéo dài trong khoảng hơn hai tháng vậy nên mỗi giáo viên giảng dạy cần phải có kế hoạch cụ thể hơn cho chiến lược ôn luyện của mình.
  • Thứ tư: Mỗi giờ học giáo viên hướng dẫn học sinh phương pháp học tập hiệu quả. Ví dụ như khuyến khích các em đọc, luyện nhiều đề về tác phẩm văn học kết hợp với các nhận định về lí luận văn học. Hệ thống kiến thức sau mỗi bài học bằng sơ đồ tư duy cho học sinh dễ hiểu. Hướng dẫn các em viết nhiều, nói nhiều, học bằng công thức (Tránh học tủ, học chay, học vẹt). Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc học yếu môn văn là do học sinh lười học, lười suy nghĩ, lười đọc, lười viết, học tủ, học vẹt.
  • Thứ năm: Để tránh dạy lan man dàn trải, giáo viên cần bám sát chuẩn KTKN, dạy có trọng tâm, bám sát cấu trúc của Sở GD và ĐT. Linh hoạt trong kiểm tra đánh giá: Xây dựng đội ngũ cán sự bộ môn để các em tự kiểm tra chéo, kiểm tra đầu giờ, kiểm tra giữa giờ, kiểm tra vở thực hành… lấy ảnh hưởng từ bạn bè để khích lệ học sinh học tập. Kết hợp dạy học phân hóa đối tượng học sinh: Chia nhóm học sinh đạt điểm cao, nhóm học sinh đạt điểm trung bình và thấp hơn, soạn giảng theo từng đối tượng học sinh đó.
  • Thứ sáu: Sưu tầm lưu giữ các đề thi, đề kiểm tra và đáp án các năm để làm tài liệu tham khảo. Lấy đáp án và đề mẫu của các kỳ thi năm trước làm định hướng để rèn kỹ năng làm bài cho học sinh. Nghiên cứu cấu trúc của đề thi vào 10 các năm để ra đề kiểm tra đánh giá học sinh. Mỗi một tuần giao cho các em ít nhất 5 đề thi môn Ngữ văn để các em tự luyện. Các tư liệu làm đề có thể sưu tầm từ đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc trên thư viện sách, thư viện đề thi trên google.
  • Thứ bẩy: Phải luôn xác định : HS đóng vai trò rất quan trọng đến chất lượng giáo dục (Dạy học lấy học sinh làm trung tâm). Bởi để có được chất lương tốt không chỉ có giáo viên giỏi mà còn phải có sự nỗ lực của các em học sinh. Vì vậy người giáo viên phải làm sao cho các em yêu quý, gần gũi, nể phục và tin tưởng vào mình. Bởi nếu các em không tin tưởng và ủng hộ chúng ta, chúng ta sẽ khó có thể dạy cho các em hiểu và yêu cầu các em học và làm theo chúng ta được. Hãy coi học sinh như con em của mình để cùng nhau chinh phục những nâng thang của tri thức.
  • Thứ tám: Kết hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để cùng có biện pháp động viên và khuyến khích các em kịp thời. Giáo viên lập các trang Zalo, Messenger thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em, trao đổi các vấn đề cần giải quyết trong học tập để kịp thời uốn nắn, sửa chữa.
  • Trên đây là một số kinh nghiệm tôi nêu ra để các đồng chí tham khảo. Những vấn đề tôi vừa trình bày chỉ mang ý chủ quan của cá nhân tôi. Vì vậy rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp để chúng ta ngày càng có những phương pháp dạy tốt hơn nữa để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của mình.

       BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM KHỐI 9-NĂM HỌC 2020-2021   


    stray dog lying down

    Đối với sự phát triển của xã hội, trường học là nơi đào tạo các thế hệ học trò, là môi trường tạo dựng cho đất nước những con người có đủ tài năng trí tuệ, có phẩm chất đạo đức tốt. Người đóng vai trò lớn đối với sự hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức và năng lực cho các em không ai khác chính là các Thầy Cô giáo -những giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm lớp, những nhà giáo dục. Chúng ta thường nói con cái là hình ảnh của cha mẹ, một tập thể lớp là hình ảnh của giáo viên chủ nhiệm, nói như vậy cũng đúng phần nào vì rõ ràng ở trường học giáo viên chủ nhiệm chính là người cha, người mẹ của các em. Ngoài những giờ giảng dạy trên lớp, giáo viên chủ nhiệm là người tiếp xúc với các em qua những giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu buổi, những buổi lao động, những hoạt động sinh hoạt tập thể... Như vậy giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi với các em nhiều nhất. Tuy nhiên trong thực tế công tác chủ nhiệm trong các nhà trường hiện nay gặp phải không ít khó khăn trong việc quản lý, giáo dục học sinh sa sút về đạo đức, thiếu ý thức trong việc học tập, đặc biệt là những học sinh cá biệt, chậm tiến bộ. Do vậy công tác chủ nhiệm lớp là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, mỗi một tập thể lớp đều có những đặc thù riêng của lớp đó. Có lớp như thế này, có lớp như thế khác: lớp có học sinh cá biệt về học tập, về đạo đức, lớp có học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, trẻ mồ côi, cha mẹ li hôn, thậm chí có học sinh có vấn đề về tâm lí, nghịch ngợm khó bảo cha mẹ còn bất lực không nói được con…Trong số đó, đối tượng học sinh làm cho thầy cô giáo trăn trở nhiều nhất là học sinh chưa tích cực trong học tập, chậm tiến bộ về ỷ thức đạo đức. Chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm lớp phải thật sự là giáo viên tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm , có phương pháp chủ nhiệm phù hợp mới thành công. Đối với trường THCS Thị trấn II- nơi tôi đang trực tiếp giảng dạy thuộc huyện Yên Lập - tỉnh Phú Thọ, mặc dù điều kiện kinh tế nơi đây còn gặp nhiều khó khăn song cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp các ngành, của nhân dân, sự nỗ lực của các thế hệ thầy cô và học sinh, ngôi trường THCS Thị trấn II đã trở thành điểm sáng của huyện về chất lượng giáo dục. Để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục BGH nhà trường luôn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức học sinh và thường xuyên quan tâm đến công tác chủ nhiệm cũng như năng lực chủ nhiệm của giáo viên làm công tác chủ nhiệm để có những chiến lược nhằm xây dựng những tập thể lớp chất lượng theo tiêu chí “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đồng thời, Ban giám hiệu nhà trường cũng luôn động viên và yêu cầu giáo viên và học sinh hãy luôn nghiêm túc thực hiện: Mỗi Thầy Cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Mỗi học sinh thực hiện tốt: Kỷ luật – Tự giác – Tập trung – Kiên trì. Bằng sự cố gắng đó trong những năm vừa qua trường liên tiếp được Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đánh giá cao về chất lượng khảo sát giáo dục và chất lượng thi vào THPT. Song song với việc Dạy Tốt - Học Tốt, nhà trường rất chú trọng tới giáo dục đạo đức và kĩ năng sống cho học sinh. Cũng chính vì vậy mà trường luôn là điểm trường đầu tiên được các bậc phụ huynh lựa chọn mong muốn con em được vào học tập. Đây cũng là niềm tự hào đồng thời cũng là sức ép lớn đối với nhà trường. Do đó trong từng nhiệm vụ giáo dục, BGH nhà trường thực hiện xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ rất cụ thể và yêu cầu mỗi giáo viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao để thực hiện đạt hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong mọi lĩnh vực công tác từ nhiệm vụ giảng dạy, công tác chủ nhiệm, hoạt động ngoại khóa và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường. Trong đó công tác chủ nhiệm được nhà trường rất quan tâm coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa tác đọng rất lớn trong quá trình giáo dục học sinh - nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi học sinh có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Vì vậy để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường đặc biệt quan tâm đến nâng cao ý thức học tập, nề nếp của học sinh trong công tác chủ nhiệm và lề lối làm việc của giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ, nhờ vậy mà trong những năm học vừa qua nhà trường có chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ. Là một giáo viên của trường tôi cũng luôn nỗ lực có ý thức trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn phụ trách, và trong nhiều năm liền tôi được BGH nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9. Mặc dù công tác chủ nhiệm học sinh cuối cấp có nhiều vất vả nhưng cũng chính vì vậy mà tôi cũng có thêm nhiều học hỏi, kinh nghiệm từ công tác này. Sau đây tôi xin được chia sẻ những việc làm mà tôi đã thực hiện, tự rút ra kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: “Kinh nghiệm quản lí, giáo dục học sinh thông qua công tác chủ nhiệm”. Và tôi cũng rất mong muốn được học hỏi từ đồng nghiệp của mình để có thể làm tốt hơn nữa công tác chủ nhiệm, đặc biệt là công tác chủ nhiệm học sinh cuối cấp. Những giải pháp, việc làm cụ thể mà tôi đã và đang áp dụng để làm tốt công tác chủ nhiệm như sau:
    1.Công việc đầu tiên khi mới nhận lớp chủ nhiệm *Tôi tiến hành nắm bắt tình hình chung về lớp: Sĩ số, nam, nữ, hoàn cảnh, tình hình học tập của đối tượng học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm năm học trước, giáo viên giảng dạy bộ môn… * Làm quen với học sinh lớp chủ nhiệm: Hãy tạo cho các em sự thân thiện, sự yên tâm để các em cảm nhận được tình cảm từ bạn, chia sẻ với các em về lí do thay đổi giáo viên chủ nhiệm mới để các em ổn định về tâm lí. Do lớp tôi được phân công chủ nhiệm là lớp 9B, không phải là lớp có nhiều học sinh nhọn, phần lớn các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kết quả học tập không nổi trội, bố mẹ thường đi làm xa nhà không có thời gian quan tâm gần gũi với các em nên phần nào ảnh hưởng tới việc tự học của các em dẫn tới sự sa sút trong học tập, hơn nữa các em là học sinh lớp 9 đang ở độ tuổi có nhiều biến động lớn về tâm sinh lí là độ tuổi khó bảo, trong khi đó các em lại có 3 năm học gắn bó với giáo viên chủ nhiệm cũ vì vậy việc thay đổi giáo viên chủ nhiệm mới sẽ gây nên sự xáo trộn tâm lí rất lớn đối với các em. Do đó ngay trong buổi đầu gặp gỡ nhận lớp tôi đã thực hiện như sau: tôi trò chuyện cùng với các em và nói rõ với các em lí do từ hôm nay cô sẽ chủ nhiệm lớp mình với mong muốn cô trò mình cùng cố gắng để xây dựng một tập thể lớp đoàn kết cùng tiến bộ. Cô biết sự thay đổi về giáo viên chủ nhiệm như vậy sẽ khiến cho các em có sự xáo trộn về tâm lí, bản thân cô cũngkhông muốn như vậy, nhưng bởi vì lí do mong muốn giúp các em có được sự thay đổi tốt hơn, cô hi vọng cô và các em cùng nhau cố gắng nhé, các em hãy chia sẻ những băn khoăn, những khó khăn với cô để cô giúp đỡ các em. Bằng tình cảm chân thành của mình tôi đã có được sự ủng hộ của các em ngay từ buổi đầu nhận lớp.
    2. Giáo viên phải nắm bắt được tình hình của lớp, hoàn cảnh gia đình học sinh lớp chủ nhiệm để hiểu hơn về các em: Sau khi cô trò có được sự chia sẻ ban đầu tôi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về học sinh của mình để hiểu hơn về các em. Tôi kết hợp thực hiện sử dụng phiếu điều tra thông tin về học sinh để nắm bắt thông tin cơ bản về hoàn cảnh gia đình, những sở thích, thế mạnh nổi bật của các em. Đây là mẫu phiếu tôi đã sử dụng xin được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo: PHIẾU THÔNG TIN HỌC SINH NĂM HỌC 2020 - 2021 Qua nội dung trên phiếu thông tin, tôi có thể nắm bắt được các thông tin cơ bản về học sinh, hoàn cảnh gia đình, mong muốn của các em, cách xưng hô với phụ huynh sao cho phù hợp…
    3. Tôi tiến hành ổn định tổ chức lớp để lớp sớm đi vào nề nếp học tập.
    - Việc bầu Ban cán sự lớp hết sức cẩn trọng, nhất là bầu lớp trưởng. Lớp trưởng là học sinh nam hay nữ cũng được, miễn là em đó có bản lĩnh, năng lực. Thường là các em nam hay tự ái khi lớp trưởng là nữ. Trong trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm phải hết sức khéo léo tạo nên sự hòa đồng giữa các em bằng mọi cách, khẳng định khả năng của lớp trưởng.
    - Việc tiếp đến là sắp xếp chỗ ngồi của các em. Chỗ ngồi có tác động tâm lý rất lớn đến các em. Nếu có thể tránh được giáo viên chủ nhiệm nên tránh các trường hợp:
    + Không nên sắp xếp nữ, nam ngồi xen nhau trong một bàn, nhất là lớp 8, 9 các em nữ sẽ mất tự tin về việc hàng tháng.
    + Không nên để các em học sinh yếu, hay nói chuyện ngồi bên nhau. Những em này cũng không nên cho ngồi bên cửa lớn hoặc cửa sổ, cố gắng sắp xếp các em học yếu, hay nói chuyện ngồi cùng với các bạn học tốt, có đạo đức tốt để bạn giúp đỡ. Xây dựng được đôi bạn giúp đỡ nhau học tập.
    4. Giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi giao tiếp với học sinh lớp mình chủ nhiệm:
    - Giáo viên chủ nhiệm phải tiếp xúc thường xuyên với học sinh mới biết được các em biết gì, cần gì, các em là người như thế nào. Có tiếp xúc với các em mới rút ngắn được khoảng cách giữa thầy và trò, các em không còn e ngại, rụt rè, chắc chắn sẽ tự tin hơn và mạnh dạn bộc bạch những việc của lớp, những thiếu sót của bản thân…
    - Khi tiếp xúc với học sinh, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, có những việc nên làm và những việc không nên làm:
    + Phải thật khéo léo khi hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình của các em để biết được đó có phải là điều kiện khó khăn, hoặc thuận lợi ảnh hưởng đến học tập, đạo đức của các em hay không? Đối với học sinh có gia đình quan tâm, giáo viên nên phát huy thế mạnh này. Vì thường học sinh được giáo dục tốt, được chăm lo việc học tập nên thường chăm ngoan hơn, chính những em như thế này là nhân tố tích cực của lớp.
    + Ngược lại, đối với học sinh gặp phải những khó khăn về gia đình như: kinh tế, mồ côi, hoàn cảnh gia đình éo le, bố mẹ li hôn,… thì giáo viên và tập thể lớp cần có sự quan tâm giúp đỡ vì học sinh thuộc đối tượng này thường hay tự ti, mặc cảm nên cần phải khéo léo tế nhị trong cách đối xử cũng như giúp đỡ các em.
    + Trong những buổi lao động, hoạt động tập thể, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao… đây là điều kiện để thầy và trò gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn. Giáo viên cần hướng dẫn cặn kẽ công việc để các em tự tin phát huy khả năng của mình. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao có thể các em không tránh được những sai sót thay vì thái độ khó chịu, nổi nóng phê bình, giáo viên nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhắc nhở, hướng dẫn lại. Có làm như vậy, giáo viên mới giúp các em rút ra được kinh nghiệm, tự tin hơn. Đặc biệt trong lao động ngoài việc hướng dẫn giáo viên nên cùng lao động với các em vừa tạo nên không khí sôi nổi trong buổi lao động, vừa giáo dục các em tính tích cực, không tránh nặng tìm nhẹ trong lao động. Có như vậy giáo viên mới cùng san sẻ niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại với lớp chủ nhiệm của mình.
    5. Giáo viên chủ nhiệm nên thường xuyên nắm bắt thông tin từ cán bộ lớp, cán sự bộ môn để biết được mọi hoạt động của lớp là việc làm hết sức cần thiết. Những thông tin về lớp chủ nhiệm chủ yếu là do các em cung cấp. Nhưng việc làm này có hai mặt: nếu giáo viên không khéo léo xử lý sẽ dễ dàng biến học sinh thành những kẻ mách lẻo, xoi mói người khác, nói xấu người khác.
    6. Cần giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong lớp: - Trong một tập thể lớp, việc nảy sinh nhiều vấn đề trong mỗi buổi học là điều khó có thể tránh khỏi, giáo viên chủ nhiệm nên có mặt với lớp vào mười lăm phút đầu buổi, Giáo viên đến lớp như vậy để giúp các em ôn bài, chuẩn bị bài mới hoặc có sự việc gì xảy ra ở buổi học trước kịp thời chấn chỉnh…Nếu thực hiện tốt và thường xuyên khâu sinh hoạt đầu buổi, học sinh sẽ ổn định tâm thế để bước vào tiết học đầu tiên tốt hơn, kể cả các tiết học sau. Sau mỗi buổi học, nếu có việc gì cần giải quyết ngay, giáo viên yêu cầu các em ở lại năm, mười phút để làm việc và hàng tuần nên có cuộc họp với cán bộ lớp. Tuy rằng lớp có lớp trưởng, lớp phó nhưng giáo viên không hoàn toàn giao cho các em mà phải để ý đến lớp thường xuyên, kịp thời nhắc nhở, động viên.
    7. Giáo viên chủ nhiệm cần phải biết phát huy khả năng làm việc của cán bộ lớp, nhất là lớp trưởng. Định hướng cho cán bộ lớp làm việc, tôn trọng ý kiến đề xuất, cách làm việc của các em, giáo viên giúp cán bộ lớp làm việc là chính thay vì làm tất cả. Cán bộ lớp là những người gần gũi, sát với lớp nhiều hơn giáo viên chủ nhiệm nên các em giúp giáo viên giải quyết các vấn đề của lớp nhanh hơn, hiệu quả hơn và giáo viên chủ nhiệm đỡ vất vả hơn.
    8. Tổ chức tốt giờ sinh hoạt lớp: Thường các em không thích và không có thiện cảm với giờ sinh hoạt lớp. Sở dĩ có hiện tượng này vì trong các giờ sinh hoạt lớpphần lớn giáo viên chủ nhiệm chủ yếu dành thời gian kiểm điểm những sai sót của một số học sinh vi phạm nội quy của trường, lớp. Vì vậy, giáo viên nên tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong giờ này. Giáo viên cho lớp nhận xét, đánh giá hoạt động trong tuần với thời gian ngắn, dành thời gian nhiều hơn cho việc vạch ra phương hướng tuần tới, sinh hoạt văn nghệ, đố vui, câu hỏi giải quyết tình huống… Đối với những em thường xuyên vi phạm nội quy, không thuộc bài tôi thường phạt học sinh bằng hình thức em đó tặng bài hát hoặc tiết mục văn nghệ đặc sắc cho lớp, bằng hình thức này các em học sinh có được không khí sinh hoạt rất sôi nổi mà các em mắc lỗi cũng rất vui vẻ để sửa lỗi, kết quả số học sinh lười làm bài tập giảm đi, số giờ học tốt và điểm tốt ngày càng tiến bộ. Trong những trường hợp này giáo viên chủ nhiệm cũng có thể gặp riêng phân tích cho các em tự nhận thấy để sửa sai, sửa lỗi nhất là học sinh cá biệt. Tránh trường hợp trong các buổi sinh hoạt tập thể lớp cứ tập trung vào sai sót của học sinh mà phê bình, chỉ trích, nặng lời thay vì giúp học sinh tiến bộ tránh phản ứng ngược lại học sinh sẽ lì lợm hơn, phá bĩnh hơn.
    + Đối với học sinh cá tính, khó bảo, giáo viên cũng như tập thể lớp nên kiên trì quan tâm theo dõi giúp đỡ thay vì nghiêm khắc phê bình căng thẳng trước tập thể lớp. Cần phê bình đối tượng này nhưng tránh tình trạng căng thẳng giữa học sinh đó với giáo viên, với tập thể lớp. Điều đó có thể xảy ra là học sinh cá biệt phản ứng mạnh khi bị phê bình, tự ý bỏ ra khỏi lớp, đập phá đồ dùng trong lớp, hoặc có lời lẽ vô lễ với giáo viên…Khi trường hợp này xảy ra, chắc chắn giáo viên sẽ bị mang tiếng, bị mất uy tín. Cho nên, là giáo viên chủ nhiệm phải lấy tình thương yêu, lời lẽ phân tích nhẹ nhàng để các em nhận ra việc làm sai của mình và nhận lỗi là tốt nhất. Điều hết sức quan trọng là cách đối xử, xử lý học sinh cá biệt không nên quá nghiêm khắc, có làm được như vậy học sinh mới nể phục.
    9. Giáo viên chủ nhiệm cần chú ý đến việc khen chê kịp thời đối với học sinh. - Khen chê học sinh phải công minh: những lời động viên khi các em làm việc tốt, những lời nhắc nhở khi các em làm sai có tác dụng rất lớn đến việc tự rèn luyện của các em. - Khi các em tiến bộ, làm được việc tốt, có biểu hiện tích cực chúng ta nên khen ngợi động viên các em kịp thời để các em có động lực cố gắng. và để động viên các em tôi đã thực hiện tặng phiếu khen, thưởng quà, bằng biên pháp này tôi thấy các em rất phấn chấn và luôn có biểu hiện tích cực cố gắng.
    10. Giáo viên chủ nhiệm hãy xây dựng tốt mối quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.
    - Việc giáo dục học sinh trong nhà trường là sự kết hợp nhà trường với đoàn thể, địa phương, gia đình…Trong đó, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, công tác chủ nhiệm của một giáo viên thành công hay không đừng bao giờ quên gia đình học sinh là yếu tố quan trọng.
    - Với tôi việc đến thăm gia đình học sinh rất cần thiết. Trước khi đến thăm phụ huynh học sinh, giáo viên cần phải phân loại đối tượng học sinh: học tập tốt - hạnh kiểm tốt, học tập trung bình, yếu- hạnh kiểm trung bình, yếu để có kế hoạch đi thăm. Tốt nhất là nên giành thời gian đi thăm trước đối với gia đình những em có hạnh kiểm trung bình, yếu hoặc những trường hợp đặc biệt khác của học sinh đẻ có biện pháp phối hợp, động viên học sinh.
    - Đến thăm gia đình những em chăm ngoan là nhằm để biết thêm về hoàn cảnh gia đình, phương pháp học tập của các em. Tiện thể giáo viên báo cho gia đình biết những ưu điểm về hạnh kiểm, học tập. Thường là phụ huynh của đối tượng này lo lắng, quan tâm đến con cái nhiều hơn khi biết thêm con mình từ giáo viên chủ nhiệm.
    - Việc đến thăm học sinh cá biệt, chậm tiến bộ,là hết sức cần thiết. Vì đa số các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ít có thời gian quản lý, chỉ bảo chuyện học hành của con cái, có thể nói là họ giao con mình cho thầy cô. Đến khi được giáo viên chủ nhiệm báo cho biết về tình hình học tập, rèn luyện đạo đức họ mới vỡ lẽ. Có gia đình thực sự khổ tâm vì con, nhưng cũng có gia đình xem như chẳng có chuyện gì, thậm chí chẳng cần thiết phải nghe thông tin từ giáo viên. Nhưng không sao,là giáo viên chủ nhiệm của các em bạn đừng bao giờ nản lòng, cứ đến gặp họ một lần, hai lần để cùng nhau bàn bạc về việc giáo dục học sinh đến khi nào có kết quả.
    - Và điều cần lưu ý là khi giáo viên chủ nhiệm trao đổi cùng phụ huynh học sinh là phải có mặt các con.
    - Trong việc gặp phụ huynh học sinh cá biệt, bản thân tôi nhận thấy, muốn có tác dụng tốt và hữu ích thì chúng ta có thể thực hiện như sau:
    + Có thể lần đầu đến thăm gia đình mà không bàn chuyện giáo dục học sinh. Hoặc nếu muốn bàn chuyện giáo dục các em phải thật bình tĩnh, trao đổi ôn hoà, đừng để phụ huynh có cảm nhận là mình mắng khéo.
    + Theo tôi, việc đến thăm gia đình của các em là giúp cho phụ huynh hiểu thêm về con em mình. Từ đó, họ chú ý hơn đến việc dạy bảo các em. Bản thân các em cũng sợ việc làm này của thầy cô nên sẽ cố gắng sửa chữa những sai sót của mình. Mời phụ huynh học sinh đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm tôi rất ít làm. Bởi tôi nghĩ rằng làm như vậy sẽ mất thời gian của họ mà chính bản thân giáo viên chẳng biết học sinh mình có một gia đình như thế nào. Vì đa số hình ảnh của con cái là hình ảnh của cha mẹ. Hơn nữa, có một số phụ huynh nghe thầy cô báo về con mình họ rất tức giận. Cho nên khi về nhà họ trút hết tức giận vào con bằng những trận đòn nhừ tử. Như thế chẳng có kết quả gì qua lần gặp gỡ ấy.
    - Đến thăm gia đình, cùng trao đổi việc giáo dục học sinh là việc làm thường xuyên, tuy mất nhiều thời gian của giáo viên chủ nhiệm. Nhưng sau mỗi lần được giáo viên chủ nhiệm đến thăm tôi thấy các em có sự thay đổi và có tiến bộ rõ rệt. Trên đây là những việc cần thiết trong công tác chủ nhiệm mà tôi đã lưu ý thực hiện. Và sau nhiều năm được phân công làm chủ nhiệm lớp 9 tôi đã tự rút kinh nghiệm cho bản thân những bài học sau đây:
    Một là: Phải xác định được mục tiêu và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao: Làm thế nào để hoàn thành xuất sắc công tác chủ nhiệm mà Ban giám hiệu nhà trường giao phó. Từ đó người giáo viên chủ nhiệm mới có các biện pháp chủ nhiệm hiệu quả. Vì thế, người làm công tác chủ nhiệm phải là những người thực sự nhiệt tình, tâm huyết, năng động, chuyên cần và luôn có những thay đổi trong quá trình chủ nhiệm để có thể đạt được những kết quả tốt, hoàn thành xuất sắc công tác chủ nhiệm lớp.
    Hai là: Hãy tạo cho các em sự thân thiện, sự yên tâm để các em cảm nhận được tình cảm yêu thương từ bạn, chia sẻ với các em về lí do thay đổi giáo viên chủ nhiệm mới để giảm strees về tâm lí cho các em.
    Ba là: Người giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được tình hình, hoàn cảnh gia đình học sinh lớp chủ nhiệm để hiểu hơn về các em.
    Bốn là: Hãy tôn trọng, lắng nghe, gần gũi các em. Phải thực sự thấu hiểu các em thì người giáo viên chủ nhiệm mới có thể giúp đỡ các em từng bước tiến bộ. Chỉ khi nào Thầy cô chiếm được cảm tình của các em thì các em mới thực sự nghe theo, làm theo. Vì vậy hãy gần gũi, dành thời gian trò chuyện để nắm bắt suy nghĩ và mong muốn của các em. Cần tôn trọng, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của các em, tạo cơ hội cho các em được bày tỏ ý kiến của mình, không nên áp đặt các em làm theo ý của mình, không chê bai, so sánh hay phán xét đây là điều thầy cô nên tránh. Bởi khi được tôn trọng các em mới có được sự tự tin và biết tôn trọng người khác, mới tâm phục, khẩu phục nghe theo. Đối với học sinh mắc lỗi, thầy cô nên gặp riêng phân tích nhắc nhở để các em tự nhận ra lỗi sai của bản thân mà điều chỉnh, sửa chữa. Vì ở độ tuổi này sĩ diện về bản thân của các em rất lớn, các em lại rất thông minh, các em có thể tự nhận ra sự tôn trọng và tình cảm của giáo viên dành cho mình. Khi các em cảm thấy nể phục thì các em sẽ thay đổi.
    Năm là: Người giáo viên chủ nhiệm phải coi mình là người cha, người mẹ và người bạn để quan tâm và chia sẻ với học sinh của mình, thì các em mới thấy tin tưởng, nghe theo, từng bước thay đổi và tiến bộ. Vì vậy trước hết người giáo viên chủ nhiệm phải có phẩm chất đạo đức nhân cách tốt, phải có lối sống chuẩn mực, có tác phong mô phạm, là tấm gương sáng của các em.. Đây là điều tiên quyết vô cùng quan trọng giúp chúng ta tự tin để dạy học trò, mới có thể thuyết phục được học sinh, Vì đối với các em hình tượng về thầy cô vô cùng lớn lao, nó có tác động mạnh mẽ tới tâm lí của các em. Và để được học sinh yêu thích hay nói cách khác là để học sinh thích học mình, muốn nghe mình nói thì trước hết học sinh phải yêu mình, kính trọng mình sau đó mới nói đến việc dạy cái gì? dạy như thế nào? Do đó thầy cô chúng ta cần chú ý đến tác phong của mình: - Học sinh rất thích thầy cô giáo ăn mặc đẹp, lịch sự, kín đáo, trẻ trung, các em quan sát rất kĩ, rất tỉ mỉ về cách ăn mặc của thầy cô, đặc biệt của các cô giáo. Tác phong đi lại của thầy cô cũng tác động không nhỏ đến tâm lí của các em. -Từng lời nói của người thầy, người cô cần rõ ràng, mạch lạc, thân thiện, gần gũi. Bởi vì lời nói là phương tiện giao tiếp trực tiếp hàng ngày của thầy trò. Nên chúng ta cũng thận trọng hơn khi giao tiếp với học sinh, tránh xúc phạm hay miệt thị hoc sinh, tránh những câu từ khó nghe làm các em bị tổn thương, hoặc không nể phục. - Chú ý trên lớp học từng hành động của thầy cô là những việc làm diễn ra trước mắt học sinh. Vì thế từng hành vi, cử chỉ của thầy cô phải tế nhị, kín đáo, ý tứ. Nét mặt của giáo viên nên tươi cười niềm nở thân thiện để tạo được thiện cảm với học sinh.
    Sáu là: Đối với những học sinh có “cá tính” đặc biệt, trong từng trường hợp người giáo viên phải có cách ứng xử khác nhau. Để học trò có thể nhận ra lỗi ngay lập tức là điều rất khó, vì vậy giáo viên đôi khi cũng phải kiên nhẫn. Không phải các em cứ mắc lỗi là lại gọi ra để mắng. Có thể để đến ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa hoặc khi các em có một vài lỗi sai giáo viên mới nên gọi ra để trò chuyện và nhắc nhở. Các em chỉ thay đổi khi nể phục mà thôi.
    Bảy là: Giáo viên chủ nhiệm phải ứng xử công bằng Được thầy cô giáo yêu thương là một trong những yếu tố quan trọng giúp học trò có nhiều động thái tốt trong học tập. Tuy nhiên, nếu tình yêu ấy được chia sẻ không đúng cách, không đúng lúc có thể khiến các em cảm nhận rằng đó là sự thiên vị. Đứng trước một lớp học có sĩ số vài chục học sinh, có những học sinh giỏi, ngoan, đáng yêu thì việc giáo viên dành tình cảm nhiều cho các học sinh ấy là điều dễ hiểu. Ngược lại, giáo viên cũng có thể không dành nhiều tình cảm đến những học sinh cá biệt, nghịch ngợm, không nghe lời. Và các em cảm nhận được thái độ, tình cảm của cô giáo dành cho từng học trò ra sao. Đối với học sinh được dành nhiều tình cảm, đó có thể là một niềm hạnh phúc nhưng đôi khi lại hình thành cho các em tính ích kỷ, coi mình là “trung tâm”. Các em cảm thấy mình có giá trị trước mặt nhiều người, theo đó có thể cậy thế để ứng xử với người xung quanh một cách không tôn trọng và xem thường người khác. Ngược lại đối với những em học sinh cảm thấy mình không nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ giáo viên sẽ trở nên lo lắng, buồn rầu, mặc cảm và mất đi sự tự tin. Thậm chí dễ nảy sinh trong các em tính đố kỵ, ganh ghét với bạn bè xung quanh. Bạn biết đấy, học sinh hoàn toàn có thể phân biệt điều gì là công bằng và điều gì thì không. Vì thế, giáo viên phải đối xử bình đẳng đối với tất cả học sinh nếu mong được học sinh tôn trọng.
    Tám là: Hãy lan tỏa nụ cười, đó là điều cần thiết nhất. Giáo viên chủ nhiệm nên có thái độ vui vẻ, hòa đồng, tạo tâm lý thoải mái, tin cậy cho các em hãy làm mọi cách để phấn đấu lớp chủ nhiệm của mình là lớp học hạnh phúc.
    Chín là: Bạn hãy có cái nhìn bao quát lớp, tìm hiểu hoàn cảnh học trò; có hành vi nhân ái, thương yêu, sẻ chia. Bởi vì sự nhân ái, sẻ chia là con đường vào trái tim học trò gần nhất.
    Mười là: Cố gắng giữ tâm thế bình tĩnh khi xử lí các tình huống, tuyệt đối không được đe nẹt, quy kết hành vi của học trò. Phải coi sai sót của học trò giống như “sai sót của con mình”, thì mới có thể kiên nhẫn giúp các em sửa sai. Có như vậy bạn mới có thể thành công trong công tác giáo dục học sinh.
    Và cuối cùng tôi rất tâm đắc với 20 điều thầy cô cần lưu ý mà tôi đã được đọc. Khi gắn với công tác chủ nhiệm, tôi thấy đây là những bài học chung thật ý nghĩa.
    1. Bạn là người rất gần gũi với học trò, vì thế hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.
    2. Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm ấy. Bạn hãy giúp em nhận ra, phát triển chúng thêm.
    3. Đừng dạy học sinh quá tự tin - sau này chúng sẽ bị xa lánh; quá rụt rè - chúng sẽ bị coi thường; quá lắm lời - chúng sẽ không được ai chú ý đến; quá ít nói - chúng sẽ không được ai tính đến; quá cứng nhắc - chúng sẽ bị khước từ; quá tốt bụng - chúng sẽ bị bắt nạt. Trong giờ học giáo viên chủ nhiệm:
    4. Hãy vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ tất cả những thất bại của chúng.
    5. Hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.
    6. Đừng đòi hỏi một “kỉ luật lí tưởng” trong giờ học. Bạn đừng độc đoán quá, hãy nhớ rằng giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.
    7. Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao trí thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm được bắt đầu.
    8. Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.
    9. Mỗi bài giảng của bạn phải là một bước tiến, dù là rất nhỏ, về phía trước trong việc khám phá tri thức. Học sinh cần phải vượt qua những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và bạn hãy tính toán sao cho mức độ của những khó khăn đó thật phù hợp.
    10. Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giảng dạy. Như thế học trò sẽ lười suy nghĩ, bạn cần làm cho chúng thấy việc học là lao động thực sự. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn khích lệ, luôn ở bên chúng khi khó khăn.
    11. Hãy nhớ rằng trên lớp các em cần phải cảm thấy hấp dẫn và thú vị. Chỉ có sự hấp dẫn mới làm các em tập trung chú ý được. Giáo viên chủ nhiệm: Ứng xử với học sinh
    12. Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.
    13. Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của em, vui thì chia vui, buồn thì động viên.
    14. Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Bạn hãy cố gắng chừng nào có thể để tránh cho các em điểm kém. Hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này.
    15. Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hi vọng.
    16. Đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai. Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của bạn trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, bạn cũng đừng nóng nảy quá.
    17. Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối và đánh nhau. Công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của bạn.
    18. Một lần nữa xin nhắc lại: Hãy kiềm chế, bình tĩnh , kiên trì và mềm mỏng. Giáo viên chủ nhiệm: Ứng xử với cha mẹ học sinh
    19. Các cuộc gặp gỡ với phụ huynh học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp phụ huynh là dịp để bạn cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập của trẻ.
    20. Khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, bạn cần nhớ rằng đối với họ đứa con là quý giá nhất trên đời. Vì thế, bạn hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh bị tổn thương.

       BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM KHỐI 9-NĂM HỌC 2020-2021   


    stray dog lying down

    Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa các thầy giáo cô giáo, thưa các em học sinh yêu quý!
    Những ngày này khi sắc xuân đã dần phai, thì ở trường THCS Thị trấn II của chúng ta không chỉ là không khí xuân lại như bừng lên một lần nữa để mừng một vụ mùa bội thu về chất lượng giáo dục mũi nhọn, mà còn là thời điểm mà tinh thần học tập và sự hăng say của các em học sinh càng trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết.
    Hôm nay, tôi rất vui mừng và vinh dự khi được thay mặt cho các thầy cô bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi lên đây chia sẻ và phát biểu cảm nghĩ. Lời đầu tiên, cho tôi xin được thay mặt các thầy cô bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh của trường THCS Thị trấn II bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới các cơ quan, tổ chức, các bậc phụ huynh, các nhà hảo tâm và nhà trường đã tổ chức trang trọng chương trình vinh danh, biểu dương, khen thưởng cho học sinh và giáo viên. Chương trình này giúp cho niềm hân hoan, niềm tự hào của thầy trò chúng tôi như được nhân lên gấp bội.
    Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh vừa qua, rất vinh dự thầy trò trường THCS Thị trấn II của chúng ta đã đạt được nhiều thành tích rực rỡ. Để có được những thành tích trên theo tôi đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố như: sự quan tâm sát sao, chỉ đạo bài bản của Ban giám hiệu và tổ chuyên môn. Sự đầu tư, động viên của nhà trường và các bậc phụ huynh; cùng những trăn trở, miệt mài rèn rũa, rút ruột nhả tơ của các thầy cô. Và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên của các em học sinh thân yêu. Chúng tôi nhìn thấy trong mắt các em khát vọng lấp lánh, ánh lên sự quyết tâm chinh phục để mang vinh quang về cho gia đình, cho nhà trường và huyện Yên Lập.
    Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. Đúng vậy, học tập là một công việc đầy gian nan và vất vả. Học chưa bao giờ là sự nhàn, nó đòi hỏi ý chí, nghị lực, sự khổ luyện, kiên trì và nỗ lực không ngừng. Nên thầy cô mong các em hãy cố gắng, miệt mài hơn nữa trong học tập. Có công mài sắt ắt có ngày lên kim. Đặc biệt là các em học sinh khối 9, mong các em hãy quyết tâm cao độ, xác định mục tiêu cụ thể, chăm chỉ, kiên trì, có phương pháp học tập khoa học hiệu quả để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi vào Trung học phổ thông sắp tới và duy trì tốt kết quả thi học sinh giỏi ở bậc Trung học phổ thông.
    Thay mặt cho các thầy cô giáo, tôi xin hứa sẽ quyết tâm, khắc phục khó khăn phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng. Cuối cùng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới sự quan tâm, động viên của các vị đại biểu, các tổ chức, nhà trường và các bậc phụ huynh, các nhà hảo tâm. Cảm ơn sự quyết tâm và cố gắng của các em học sinh. Xin kính chúc các vị đại biểu, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các em học sinh thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
    Chúc trường THCS Thị trấn II của chúng ta ngày càng phát triển và vững mạnh! Xin chân thành cảm ơn!